Hai tàu chấp pháp Trung Quốc tấn công tàu cá Quảng Ngãi, đánh đập ngư dân dã man

Ngày 2/10, BBC Tiếng Việt cho hay “Tàu Trung Quốc đã tấn công, đánh đập ngư dân Quảng Ngãi như thế nào?”

BBC dẫn lời kể của thuyền trưởng tàu cá QNg 95739 TS – ông Nguyễn Thanh Biên, 40 tuổi, ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, tàu của ông Biên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, tới 6h sáng ngày 29/9 thì phát hiện tàu 301 của Trung Quốc. Sau khoảng một tiếng đồng hồ rượt đuổi, thì tàu Trung Quốc bắt kịp tàu cá của ông và tìm cách lên tàu nhưng không thành công.

Sau đó, tàu 301 đã gọi thêm taù 101 tới, áp sát, kẹp và rượt đuổi tàu cá. Đến khoảng 9h sáng thì tàu 101 dùng móc sắt, quăng lên tàu cá và cho người đu lên.

Khoảng 40 người Trung Quốc leo lên tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, mỗi người cầm một cái dùi cui, gặp đâu đánh đó. Thuyền trưởng Biên bị đánh ngất xỉu, thuyền viên Huỳnh Tiến Công bị đánh gãy tay và bị thương nhiều nơi khác trên cơ thể, thuyền viên Nguyễn Thương bị đánh bằng tuýp sắt đến hở khớp tay.

Đến khoảng 13h thì thông dịch viên thông báo, cho tàu cá của ngư dân chạy về Việt Nam, sau khi đã lấy hết lưới, máy móc và “mấy tấn cá”.

Ông Biên cho biết:

“Tàu có cờ Trung Quốc. Chúng tôi đánh bắt ở ngư trường đó và (tàu tấn công) là tàu của Trung Quốc, nhưng không biết loại nào. Chúng lên tàu thì bận đồ rằn ri, chúng đánh thì anh em gục hết rồi nên không biết gì hết.”

BBC cho biết, cho đến nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có tuyên bố chính thức liên quan đến vụ việc.

Việt Nam trong nhiều năm qua luôn khẳng định “có bằng chứng lịch sử không thể chối cãi ở Hoàng Sa – Trường Sa”.

Tuy nhiên, do Trung Quốc đã kiểm soát thực địa tại quần đảo Hoàng Sa từ hơn nửa thế kỷ qua, nên ngư dân Việt Nam khi đánh cá tại ngư trường này, luôn đối mặt với sự xua đuổi, thậm chí hành hung của các lực lượng Trung Quốc.

Theo BBC, Hội Thủy sản Việt Nam đã gửi công văn cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban đối ngoại Trung ương, vào hôm 2/10 về việc: “Phản đối phía Trung Quốc cản trở, cướp phá tài sản, đánh đập ngư dân và kiến nghị cần tăng cường hỗ trợ ngư dân khi đi đánh cá trên biển”.

Trong khi đó, BBC dẫn phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trả lời một hãng tin quốc tế hôm 1/10, cho biết, các tàu cá của Việt Nam đã đánh bắt trái phép ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, mà không được Chính phủ Trung Quốc cho phép. Các cơ quan chính quyền Trung Quốc liên quan, đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập trực tiếp đến vụ tấn công ngày 29/9.

BBC dẫn chia sẻ của nhà nghiên cứu độc lập Đặng Sơn Duân, trên website của ông, ngày 1/10:

“Hai tàu Trung Quốc tấn công các ngư dân Quảng Ngãi ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 29/9, là tàu Tam Sa Chấp Pháp 101 và Tam Sa Chấp Pháp 301.”

Dữ liệu tàu biển cho thấy, 2 tàu này đã xuất hiện tại khu vực này vào sáng 29/9.

“Đây là các tàu thuộc Cục chấp pháp hành chính tổng hợp và quản lý tình trạng khẩn cấp, của cái gọi là thành phố Tam Sa. Sự trùng hợp về số hiệu, vị trí hoạt động, cũng như cách hành xử bạo lực và vô nhân đạo, cho phép kết luận, chúng chính là 2 tàu đã tấn công dã man các ngư dân Quảng Ngãi.”

Theo BBC, việc tàu cá Việt Nam bị phía Trung Quốc xua đuổi, tấn công, thậm chí đánh đập và cướp, tịch thu tài sản là điều không hiếm.

Hồi tháng 1/2024, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam và Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cho BBC biết, các ngư dân đang phải tránh xa vùng ngư trường Hoàng Sa vài chục hải lý, để đảm bảo an toàn trước những tàu dân quân biển và tàu chấp pháp của Trung Quốc.

 

Minh Vũ – thoibao.de