Năng lực thu hút đầu tư của Việt Nam tụt hậu so với khu vực

Ngày 2/10, VOA Tiếng Việt cho hay, “Chưa chọn Việt Nam, Google đầu tư hàng tỷ đô la vào Malaysia, Thái Lan; vì sao?”.

Theo đó, Google – hãng khổng lồ về công nghệ của Mỹ, tuyên bố liên tiếp trong 2 ngày nay, về việc đầu tư tổng cộng 3 tỷ đô la vào Malaysia và Thái Lan, để xây các trung tâm dữ liệu, thay vì chọn Việt Nam, dù hãng đã cân nhắc tới Việt Nam cách đây hơn 1 tháng.

VOA dẫn lời Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, ở Na Uy, nói rằng, Việt Nam bị bất lợi khi cạnh tranh với 2 nước láng giềng trong trường hợp cụ thể này, về các mặt, gồm: chất lượng nhân lực, cơ sở hạ tầng, và niềm tin của doanh nghiệp về mức độ can thiệp của chính quyền vào hoạt động kinh doanh.
VOA trích tin từ các hãng tin nước ngoài, cho biết, Google và chính quyền Malaysia đã làm lễ động thổ, xây dựng một trung tâm dữ liệu, kiêm vùng lưu trữ dữ liệu đám mây, trị giá 2 tỷ đô la hôm 1/10. Google nói rằng, khoản đầu tư này sẽ tạo ra 26.500 việc làm, và đóng góp hơn 3 tỷ đô la vào nền kinh tế Malaysia, trong thời gian từ nay đến năm 2030.

Trước đó 1 ngày, Google cũng khẳng định sẽ đầu tư 1 tỷ đô la vào một trung tâm tương tự ở Thái Lan, tạo ra trung bình 14.000 việc làm mỗi năm, từ nay đến năm 2029.

Theo VOA, chỉ cách đây hơn 1 tháng, hôm 29/8, các hãng tin nước ngoài đưa tin rằng, Google “cân nhắc việc xây một trung tâm dữ liệu lớn ở Việt Nam”, có thể là tại một nơi gần Sài Gòn. Nếu điều này trở thành hiện thực, đó sẽ là dự án đầu tiên thuộc dạng này ở Việt Nam, do một hãng công nghệ lớn của Mỹ đầu tư.

Nhưng cho đến nay, vẫn theo VOA, chưa có thêm thông tin về việc Google có thực sự đầu tư vào Việt Nam hay không.

Một trong những lý do khiến Việt Nam để tuột mất khoản đầu tư của Google, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, là chất lượng nhân lực ở Việt Nam không bằng 2 nước láng giềng nêu trên:

“Các trường đại học của họ từ lâu đã dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 rồi. Người kỹ sư hay người quản lý trình độ cao thì dễ tìm. Khả năng, chất lượng làm việc của họ cao hơn hẳn Việt Nam.”

Yếu tố thứ 2 mà Việt Nam kém Malaysia và Thái Lan, là cơ sở hạ tầng. Tiến sĩ Vũ cho rằng, đường cao tốc, mạng internet và những cơ sở vật chất khác của 2 nước kia tốt hơn nhiều, so với Việt Nam.

Nguyên nhân thứ 3 là cơ chế dân chủ ở Malaysia và Thái Lan, dù chưa hoàn hảo như các nước phương Tây, song vẫn hơn Việt Nam.

Hai nước này có quốc hội tách bạch với chính phủ, có lực lượng đối lập, chính quyền tôn trọng thông tin của người dân và doanh nghiệp. Không có việc chính quyền ép doanh nghiệp phải chia sẻ thông tin khi chính quyền muốn theo dõi người dân, ông Vũ đưa ra bức tranh khái quát.

Ông Vũ lưu ý thêm rằng, mức lương công nhân và kỹ sư Việt Nam giờ đây đã cao hơn trước nhiều, và không rẻ hơn 2 nước láng giềng này.

VOA cũng đã liên lạc với Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Ngoại giao, để hỏi về phản ứng của họ, liên quan đến quyết định mới đây của Google, nhưng chưa nhận được câu trả lời.

VOA cho biết, Tiến sĩ Vũ nhận định rằng, Việt Nam đối mặt với những cản trở không dễ vượt qua, đó là nền giáo dục lạc hậu, và vấn đề lớn hơn nữa là cơ chế chính trị không tạo đất sống cho tự do ngôn luận, tự do học thuật, tự do sáng tạo…

Tiến sĩ Vũ nhấn mạnh, kiểm soát ngôn luận và thông tin, kể cả thông tin ở dạng dữ liệu, là nét đặc trưng của đất nước do Đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo, với lý do duy trì an ninh quốc gia. Nhưng điều này mâu thuẫn với nhu cầu độc lập của các công ty công nghệ, và vì vậy, họ không thấy thoải mái khi hoạt động ở Việt Nam.

 

Xuân Hưng – thoibao.de