Những mối nguy hiểm tiềm tàng từ Kênh đào Phù Nam của Campuchia

Ngày 2/10, báo Tiếng Dân đăng bài bình luận “Kênh đào Phù Nam Techo: Việt Nam tiến thoái lưỡng nan”, của học giả Trương Nhân Tuấn.

Theo tác giả, con kênh Phù Nam sẽ bắt đầu từ cảng Nam Vang trên sông Cửu long, đào kéo dài tới vịnh Thái Lan, tại cảng Kép, dài 180 cây số, rộng 100 mét, và bề sâu trung bình là 5,4 mét.

Dự án này được Thủ tướng Campuchia Hun Manet bấm nút khởi công hôm 5/8.

Kinh phí đầu tư dự trù là 1,7 tỉ đô la, vốn đầu tư của Trung Quốc, theo mô thức BOT, thời hạn 50 năm.

Tác giả đặt vấn đề, sông Mekong là sông “quốc tế”. Luật quốc tế có các điều khoản hạn chế các việc sử dụng nguồn nước, hoặc xây dựng các công trình làm thay đổi lưu lượng nước, thay đổi dòng chảy tự nhiên của con sông, mà có thể gây thiệt hại cho các quốc gia hạ nguồn.

Tác giả cho biết, Việt Nam đã 4 lần kiến nghị, yêu cầu Chính phủ Campuchia thông báo các dữ kiện, liên hệ đến nguồn nước dùng cho con kênh đào này, đúng như quy định của Hiệp ước 1995.

Tác giả trích một bài viết trên VOA, ngày 29/4, theo đó, cựu Thủ tướng Hun Sen tuyên bố rằng: “Việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, bất chấp những phản đối liên tục của Chính phủ Việt Nam, và khẳng định, không cần đàm phán với Hà Nội về kênh đào đang gây tranh cãi này, theo truyền thông Campuchia”.

Tác giả phân tích, dự án kênh đào Phù Nam của Campuchia gây lo ngại, và có 4 điểm cần bàn:

Đầu tiên, theo lời Thủ tướng Hun Manet, con kênh này, ngoài mục tiêu vận chuyển hàng hóa, còn có các “kế hoạch phát triển đô thị, quy hoạch đô thị và thị trường bất động sản. Đồng thời mở rộng các khu phát triển nông nghiệp, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, hỗ trợ phát triển cực kênh tế thứ tư”.

Tác giả đặt vấn đề, việc “mở rộng các khu phát triển nông nghiệp” này, có diện tích là bao nhiêu? Phía Campuchia không thông báo cho Việt Nam, và cũng không công bố trước dư luận quốc tế.

Thứ 2, Thủ tướng Hun Manet cho rằng “Dự án phát triển kênh đào Funan Techo chỉ là vấn đề đối nội và chủ quyền của Campuchia, trong đó, Campuchia có thể thực hiện bất kỳ dự án phát triển nào trong Vương quốc”.

Tác giả cho rằng, Thủ tướng Hun Manet không thể kết luận như vậy, vì sông Mekong là sông quốc tế, liên quan đến nhiều quốc gia.

Mặt khác, chủ đầu tư dự án này là một công ty của Trung Quốc. Campuchia lựa chọn mô hình BOT, tức là, phía đầu tư thực hiện công trình, sau đó khai thác công trình này trong 50 năm. Điều này đồng nghĩa với việc Campuchia mất chủ quyền trên con kênh này.

Vì vậy, vẫn theo tác giả, nếu Việt Nam muốn phản đối dự án này, thì phải hành động trước khi con kênh hoàn tất. Bởi vì, sau khi đã hoàn tất, thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với Trung Quốc.

Thứ 3, về hệ quả đối với Việt Nam, tác giả chỉ ra viễn cảnh, một mặt, Đồng bằng sông Cửu Long bị thiên tai hạn hán, nước biển dâng cao, hạn mặn sâu trong đất liền, do hệ quả trái đất bị hâm nóng. Mặt khác, lưu lượng sông Mekong bị xuống thấp, do kênh đào Phù Nam hút nước, miền Nam Việt Nam sẽ lâm vào tình trạng vừa khô hạn, vừa nhiễm mặn, vừa thiếu nước ngọt.

Thứ 4, là sự hiện diện của quân cảng Ream, cách đảo Phú Quốc của Việt Nam không xa, cùng với dự án kênh đào Phù Nam, vốn là một bộ phận của sáng kiến “Vành đai Con đường” của Trung Quốc. Mục đích của Trung Quốc không chỉ là hiện diện ở vịnh Thái Lan, mà còn là kiểm soát vịnh này.

Dĩ nhiên, tác giả đánh giá, nếu dự án này hoàn tất, thì không chỉ xã hội Việt Nam đảo lộn, do nạn di dân vì Đồng bằng sông Cửu Long không thể sinh sống nữa, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn bị khủng hoảng, vì vựa lúa, vựa trái cây từ Đồng bằng sông Cửu Long đã bị tiêu hủy. Sự hiện diện của Trung Quốc ở vịnh Thái Lan sẽ khiến an ninh quốc gia của Việt Nam bị đe dọa nặng nề.

 

Quang Minh – thoibao.de