Lương Cường rút đi, Tô Lâm bế tắc trong bài toán “điền vào chỗ trống”?

Kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ bầu Chủ tịch nước, và khả năng cao, Tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư, sẽ là người được chọn. Nếu ông Lương Cường rút khỏi Ban Bí thư, thì câu hỏi đặt ra là, ai sẽ điền vào chỗ trống này?

Thường trực Ban Bí thư là vị trí phó Tổng Bí thư, được xem là người gác đền cho Ban Bí thư. Vì vậy, vị trí này phải chọn người được Tổng Bí thư tin tưởng. Trước đây, ông Nguyễn Phú Trọng giao vị trí này cho Võ Văn Thưởng và Trương Thị Mai, đến khi cuối đời, ông mới chọn Lương Cường.

Cả bà Mai và ông Thưởng đều từng là người được ông Trọng tin cậy. Tuy nhiên, cả 2 cũng chỉ đảm bảo lòng trung thành với cố Tổng Bí thư, chứ không thể đảm bảo sức mạnh, để trấn giữ cơ quan này, mà không bị hạ bởi thế lực khác. Ông Lương Cường thì không được lòng ông Trọng như 2 người trên, nhưng ông là tướng quân đội, và Tô Lâm không thể hạ được ông bằng hồ sơ đen.

Trở lại chuyện chọn Thường trực Ban Bí thư hậu Lương Cường, hiện nay, ông Tô Lâm không có bất kỳ lựa chọn nào khả dĩ, để điền vào vị trí này. Hưng Yên đang có 2 Ủy viên Bộ Chính trị, là Tô Lâm và Lương Tam Quang. Ông Tô Lâm không thể kéo ông Quang về làm phó cho mình ở Ban Bí thư. Bởi nếu để ông Quang rời Bộ Công an, thì có thể, Tô Lâm cũng ngã nhào ngay sau đó. Vì thế, trước Đại hội 14, Tô Lâm đành chấp nhận để chiếc ghế quyền lực thứ 5 trong Bộ Chính trị này rơi vào tay thế lực khác.

Hiện nay trong Ban Bí thư, lực lượng nòng cốt vẫn là những nhân sự do ông Trọng để lại. Ông Tô Lâm chỉ mới đưa được Nguyễn Duy Ngọc, và sắp tới, khả năng đưa tiếp Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư. Tuy nhiên, dù 2 người này đã được đẩy cho lên chức rất nhanh, nhưng vẫn không đủ tiêu chuẩn để làm Thường trực Ban Bí thư. Bởi vị trí này phải là Ủy viên Bộ Chính trị. Trước đây, Thường trực Ban Bí thư phải là Ủy viên Bộ Chính trị trọn 1 nhiệm kỳ trở lên. Nhưng nay, vì số người trong Bộ Chính trị hơn 1 nhiệm kỳ quá thiếu, nên chỉ cần Ủy viên Bộ Chính trị là được.

Khi ông Tô Lâm chưa lên Tổng Bí thư, thì thấy phe Hưng Yên rất mạnh. Nhưng sau khi ông đã thành công lên được vị trí đứng đầu Đảng, thì mới thấy, phe Hưng Yên đang rất thiếu người. Như vậy, sau việc chia sẻ ghế Chủ tịch nước cho thế lực khác, thì ông Tô Lâm cũng đành phải chia sẻ ghế Thường trực Ban Bí thư. Nhân sự của Hưng Yên không đủ, thì đành phải chấp nhận một giải pháp không như ý.

Như vậy, ghế Thường trực Ban Bí thư rất có thể sẽ rơi vào tay 1 trong 2 nhân vật thuộc nhóm Nghệ – Tĩnh. Đó là ông Phan Đình Trạc – Trưởng ban Nội chính Trung ương; hoặc ông Trần Cẩm Tú – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nếu một trong 2 người này thành công thay thế ông ghế Lương Cường, thì rất có thể, khi đó, liên minh Nghệ – Tĩnh sẽ tạo ra thế “cài răng lược” với phe Hưng Yên, ngay trong Ban Bí thư. Lúc đó, sức mạnh của phe Hưng Yên sẽ suy yếu.

Có vẻ như, phe Hưng Yên của Tô Lâm bắt đầu đuối dần. Dù rất cố gắng, nhưng có lẽ, ông Tô Lâm cũng chỉ đưa được Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 này. Nếu may mắn, ông có thể đưa thêm Trần Lưu Quang vào Bộ Chính trị, nhưng xem ra, nhiệm vụ thứ 2 này rất khó.

Có lẽ, ông Trần Lưu Quang phải đợi đến Đại hội 14 thì mới có cơ hội.

Phe Nghệ An bị thiệt hại nặng vì Tô Lâm, nhưng họ vẫn chưa thua, thậm chí phe này còn có thể hồi phục hậu Vương Đình Huệ. Đánh nhanh thắng nhanh không có nghĩa là có đủ lực lượng, để bố trí vào hết các vị trí quan trọng, để củng cố sức mạnh phe nhóm.

Khi nhóm Hưng Yên khựng lại, đấy sẽ là cơ hội lớn cho các nhóm khác. Cung đình hứa hẹn sẽ có những trận thư hùng còn khốc liệt hơn.

 

Trần Chương – Thoibao.de