Lạm thu trong trường học dưới danh nghĩa xã hội hoá

Ngày 30/9, RFA Tiếng Việt bình luận “Từ chuyện cô giáo “xin cái laptop” đến chuyện lạm thu trong trường học”.

Theo đó, một giáo viên đã xin phụ huynh hỗ trợ tiền để mua 1 cái laptop mới, bị hiệu trưởng ký Quyết định đình chỉ công tác 15 ngày, gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Lý do tạm đình chỉ công tác cô giáo này là “để xác minh, làm rõ đơn phản ánh, ổn định tình hình phụ huynh và học sinh, trong thời gian xem xét hướng xử lý kỷ luật”.

RFA cho biết, việc kỷ luật cô giáo gây nhiều tranh cãi. Có người cho rằng, cần phải lên án và kỷ luật cô giáo, để ngăn chặn việc giáo viên “vòi tiền” phụ huynh học sinh. Cũng có người cho rằng, cần phải đấu tranh đến cùng với tệ nạn tận thu, lạm thu trong nhà trường. Có như thế thì môi trường giáo dục mới tốt lên được.

RFA dẫn quan điểm của nhà giáo Đinh Kim Phúc:

Người ta thường nói xã hội hóa giáo dục, tức là ngoài phần ngân sách nhà nước cho giáo dục, thì phụ huynh học sinh phải đóng góp vào quá trình đào tạo trong nhà trường. Nhưng hiện nay, tuyệt đại đa số hội phụ huynh của trường, cũng như của lớp, là cánh tay nối dài của ban giám hiệu, để vận động, quyên góp chi những khoản ngoài quy định của nhà nước. Có những khoản hết sức vô lý.”

“Còn trường hợp cô giáo này là ngoại lệ, và không có lý do chính đáng. Tôi cho rằng, việc xin phụ huynh hỗ trợ cái laptop là không nên. Tôi nghĩ rằng, Ban Giám hiệu và lãnh đạo các cấp phải nghiêm cấm vấn đề này, để tránh việc lạm dụng phụ huynh mua cái này cái kia.”

RFA dẫn ý kiến một số chuyên gia trong ngành giáo dục, cho rằng, khái niệm xã hội hóa giáo dục bị biến tướng thành lạm thu trong trường học, và nhà trường mượn tay hội cha mẹ học sinh để thực hiện việc lạm thu này.

Chuyện kỷ luật một cô giáo không làm thay đổi được vấn nạn “xin” tiền phụ huynh một cách công khai, hay quyên góp theo kiểu “tự nguyện bắt buộc”, tại hầu hết các trường học trong cả nước, mà cần phải có một quyết định từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

RFA tiếp tục dẫn lời nhà giáo Đinh Kim Phúc, cho rằng, chuyện lạm thu, tận thu trong trường là vấn nạn của nền giáo dục Việt Nam từ nhiều năm qua, nhưng không được giải quyết, dẫn đến chuyện một cô giáo công khai quyên góp tiền của phụ huynh, để mua một vật dụng mà cô cho là chỉ để phục vụ cho việc giảng dạy.

Theo RFA, Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng cho rằng, sẽ xử lý nghiêm hành vi sai trái của giáo viên này.

RFA dẫn nhận xét của Luật sư Đặng Đình Mạnh, nói rằng, lỗi của cô giáo không lớn, đã được khắc phục, và cũng đã trả giá từ trong nhà trường đến ngoài xã hội. Theo ông, như vậy đã quá nặng nề với cô giáo. Nhưng việc một số người đưa hình ảnh cá nhân của cô giáo này lên mạng xã hội, rồi truyền thông cũng hùa vào, đưa video, hình ảnh của cô lên công khai, là phản ứng quá mức cần thiết.

Điều này khiến luật sư Mạnh liên tưởng đến hành vi đấu tố khốc liệt trong thời kỳ Cải cách Ruộng đất, mà chế độ Cộng sản thực hiện tại miền Bắc, trong thập kỷ 50. Ông nói:

“Trong bối cảnh đó, ông Tô Lâm, Tổng Bí thư kiêm Chủ Tịch nước tự tiện mang 500 máy tính và 10 nghìn tấn gạo tặng cho Cuba, trong chuyến công du Bắc Mỹ, lại không thấy mấy người phê phán. Vì lẽ, người dân Cuba nghèo khổ không phải vì thiên tai, mà vì sự lựa chọn chính thể sai lầm của chế độ cầm quyền. Cho nên, việc tặng cho gạo và máy tính hoàn toàn không chính đáng. Trường hợp của cô giáo tham lam tài sản của phụ huynh, không phải của người dân, thì nhiều người, và truyền thông đấu tố rầm rộ. Trong khi đó, ông Tô Lâm tự tiện tặng cho tài sản của dân theo cách không chính đáng, thì những người và giới truyền thông đã từng hùng hổ tấn công cô giáo ấy chỉ biết câm lặng.”

 

Thu Phương – thoibao.de